Home » , » 7 điều bố mẹ phải biết khi dạy con trai về nam tính

7 điều bố mẹ phải biết khi dạy con trai về nam tính

Từ nhỏ, các cậu con trai đã được dạy không được khóc, phải nam tính, mạnh mẽ khi gặp khó khăn, chịu đựng thất bại… Những kì vọng này dễ dẫn đến những cách nhìn nhận hạn hẹp về nam tính.


Nam tính không phải là lấy  “nắm đấm” để giải quyết xung đột. Ảnh minh họa: Internet

Con trai không được khóc, "bọn con gái là một lũ kém cỏi", "đàn ông á, phải giỏi chuyện ấy, phải tán đổ thật nhiều cô"..., đó là những quan niệm về nam tính đang bị bóp méo, khiến con trai bạn bối rối. Việc đem đến cho con trai cách nhìn nhận toàn diện hơn về nam tính là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là 7 điều cha mẹ có con trai cần lưu ý:
1. Con trai cũng có thể khóc và thể hiện tất cả những cung bậc cảm xúc
Tất cả chúng ta thường nghe thấy câu: “Con trai thì không được khóc”. Con trai có thể bị trêu chọc khi bị bắt gặp đang khóc. Bố mẹ cần dạy cho con trai hiểu khóc là chuyện bình thường và con trai cũng có thể thể hiện tất cả những cung bậc cảm xúc: vui, buồn, giận dữ, thất vọng, yêu thương, cáu giận… Đó là những cảm xúc của tất cả chúng ta và những cảm xúc này cho phép chúng ta kết nối với mọi người.
2. Con gái không phải là những người kém cỏi
Có những bậc cha mẹ thường dạy con dừng việc hành động như con gái vì họ cho rằng con gái thường kém cỏi hơn. Thông qua ngôn ngữ và thái độ các bậc cha mẹ có thể là những người vô tình truyền tải thông điệp này. Những suy nghĩ lạc hậu này có thể dẫn đến những quan điểm lệch lạc về nam tính và vấn đề bình đẳng nam nữ. Điều quan trọng là cần dạy cho con trai thấy nam tính chính là tôn trọng các bạn gái và phụ nữ.
3. Không cần thiết phải liên tục phải chứng minh sự nam tính
Các chàng trai thường có cảm giác mức độ nam tính của mình thường xuyên bị giám sát, cảm thấy phải chứng minh điều đó một cách thường xuyên. Ngoài ra, các cậu con trai thường cảm thấy bị thách thức và muốn khẳng định mức độ nam tính của mình khi bị mọi người đưa ra những bình luận nhạy cảm về bản thân- ví dụ như khi bị đánh giá là có những hành động như con gái. Bố mẹ cần dạy con tự tin nhưng không kiêu ngạo về bản thân, làm cho con hiểu cần phải thoải mái với bản thân mình.
4. Chơi thể thao không có nghĩa là nam tính cao
Các cậu con trai thường cảm thấy áp lực rất lớn khi phải chơi tốt một môn thể thao nào đó và những cậu bé không thích chơi thể thao thường bị nhìn nhận, đánh giá với những ánh mắt nghi ngờ.  Là cha mẹ chúng ta cần dạy con rằng nam tính không thể hiện ở khả năng đá một quả bóng hay cầm một cái gậy bóng chày...
5. Những “chiến tích” trong “chuyện ấy” không nói lên điều gì về con trai
Rất nhiều cậu con trai được dạy là phải khẳng định mức độ đàn ông của mình bằng những chiến tích trong "chuyện ấy". Hãy dạy con bạn rằng tôn trọng cơ thể mình và việc phải hình thành mối quan hệ lâu dài quan trọng hơn rất nhiều.
6. Con trai cũng có thể nói ra những cảm xúc của mình
Đàn ông thường có xu hướng không để lộ cảm xúc của mình và từ chối chia sẻ những cảm xúc của họ vì họ nghĩ rằng thể hiện cảm xúc và sự tổn thương là dấu hiệu của sự yếu đuối.  Do đó các chàng trai cũng theo xu hướng đó. Các bậc cha mẹ cần tạo ra một môi trường an toàn để các cậu con trai có thể cảm thấy thoải mái khi nói về những cảm xúc của mình. Quan trọng hơn, là bố mẹ chúng ta cần lắng nghe tất cả những gì con chia sẻ một cách thiện chí nhất.
7. Bạo lực không phải là cách ứng xử khi có xung đột phát sinh
Rất nhiều cậu con trai thấy “nắm đấm” là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Xung đột thường phát sinh khi chúng cảm thấy không được tôn trọng hoặc bị đe dọa. Bạo lực là một phần trong cuộc sống. Đôi khi các cậu con trai thường phải dùng bạo lực để bản vệ mình tránh khỏi bị bạo lực. Nếu bạo lực thường xuyên xảy ra sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ của trẻ và không hề lành mạnh. Các bậc cha mẹ cần phải dạy con trai cách ứng xử, kỹ thuật khi giải quyết xung đột. Bạo lực sẽ  thường dẫn đến việc bạo lực hơn. Cần giải thích cho con hiểu nam tính không phải được xác định bởi khả năng làm tổn thương và thống trị người khác.

Theo Babble.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét